Huyền bí ngôi chùa cổ mang tên Thiên Tạo nằm trong hang động độc đáo ở Nghệ An
Sâu trong lòng ngọn núi đá vôi làng Vũ Kỳ, thuộc xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An có một ngôi chùa cổ hết sức độc đáo, hoàn toàn do tạo hóa sắp đặt. Nơi đây gắn liền với những câu chuyện cổ xưa được lưu truyền nên được người dân gọi là chùa Thiên Tạo.
Quần thể chùa Thiên Tạo nằm trong dãy núi lèn Vũ Kỳ nhìn từ phía ngoài
Những truyền thuyết ly kỳ
Nằm cách thành phố khoảng 60 km về phía Tây Bắc là một quần thể dãy núi đá vôi hùng vĩ có từ hàng vạn năm trước tại xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An được người dân địa phương đặt tên là lèn Vũ Kỳ. Trước đây lèn có 9 ngọn núi, kéo dài hơn 1km, nhưng do bị khai thác lấy đá nên dãy núi này chỉ còn 4 ngọn.
Ông Lê Văn Liên (SN 1955, trú xã Phúc Thành) một trong những người lớn tuổi tại đây giải thích: “Dãy núi này nhìn xa như một dải cờ bay vững chãi xung quanh bao bọc bởi những cánh đồng xanh mướt của vùng quê lúa xứ Nghệ, vì vậy cha ông mới đặt tên là Vũ Kỳ. Còn gọi “lèn” chứ không gọi “núi” là bởi đặc thù ngôn ngữ của người dân xứ Nghệ, cũng có nghĩa là núi đá có vách cao dựng đứng”.
Đặc biệt, ở phía đông lèn Vũ Kỳ có một hang động vô cùng đặc biệt. Động này tuy không phải là lớn nhất nhưng có hình dáng như giọt nước (hoặc búp sen) vô cùng ấn tượng, lại khô ráo, sạch sẽ, cùng nhiều ngõ ngách bí ẩn, linh thiêng. Vào thế kỷ 15, hang động này đã được những Phật tử trong vùng chọn làm nơi để tụng kinh niệm Phật. Từ đó mà hình thành nên một ngôi chùa hoàn toàn không do bàn tay con người kiến thiết, được gọi là chùa Thiên Tạo.
Chùa Thiên Tạo là địa điểm tâm linh của người dân
Ngày xưa lèn có nhiều hang động rộng lớn như hang Tiền, hang Bạc, hang Bông Lúa... Về sau, những hang động này bị sập, lối vào hang cũng không còn. Chùa Thiên Tạo là hang động duy nhất còn sót lại. Các ban thờ đều tạo thành từ những hốc đá được thiên nhiên khéo léo tạo hình như những búp sen tuyệt đẹp, xung quanh trang trí bởi các vân đá, nhũ đá vô cùng kỳ thú, bởi thế mà chẳng cần đến bàn tay con người phải vẽ vời thêm. Vì thế, ngôi chùa này càng được những người dân không chỉ trong vùng mà ở tứ xứ cung kính, đến hương khói ngày Rằm”, ông Liên vừa kể vừa dẫn những vị khách lạ vào chùa Thiên Tạo tham quan.
Ẩn sau những phiến đá khổng lồ, chùa Thiên Tạo có hình búp sen, cao khoảng 20m, rộng hơn 25m. Trần hang cao chót vót với những nhũ đá buông xuống tuyệt đẹp. Bước vào chùa, một bầu không khí trong lành lan tỏa dù đang giữa mùa hè. Chùa Thiên Tạo có 3 ban thờ chính, tất cả đều đặt trong những hang đá nhỏ hơn.
Ở chính giữa có điện Tam Bảo, bên trái hang Thiên, bên phải là hang Tiên Nữ. Mỗi hang nhỏ bên trong chùa lại có những câu chuyện khác nhau. Bề mặt hang Tam Bảo và hang Thiên có nhiều vết lõm xuống như dấu bàn chân. Theo truyền thuyết lưu truyền trong dân gian đây là dấu chân của Đức Phật.
“Trong dân gian còn lưu truyền truyền thuyết người xưa kể, do cảnh đẹp, hoa lá đua nở, không khí trong lành nên đây là nơi thần tiên hay hạ phàm để thưởng lãm cảnh sắc trần giới. Trong đó có cả những nàng tiên trốn trời xuống dạo chơi. Một lần, có chàng trai đi đốn củi thấy một tiên nữ vô cùng xinh đẹp bay xuống. Mê mẩn trước nhan sắc yêu kiều này nên chàng trai mới định bước tới gần xem cho rõ. Không ngờ rằng khiến vị tiên nữ sợ hãi bỏ trốn vào hang. Chàng trai đứng chờ mãi không thấy nàng ra, nhiều ngày sau đó cũng không thấy nữa. Vì vậy sau đó người dân mới đặt tên hang là hang Tiên Nữ”, ông Liên kể.
Ông kể, trước đây cửa hang này là lối vào của một hệ thống hang động khổng lồ ở sâu trong lòng núi, bao gồm hàng trăm hang động liên thông với nhau, có hang khô, có hang nước, măng đá nhũ lung linh huyền ảo như chốn thần tiên. Nhưng không hiểu vì sao, cửa hang Tiên Nữ đột nhiên sập xuống, bít kín hoàn toàn lối vào của hệ thống hang ngầm.
Thăng trầm lịch sử
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, do có địa thế hiểm trở và kín đáo nên chùa Thiên Tạo trở thành kho chứa lương thực và vũ khí của các đơn vị quân đội trong vùng. Theo sử sách ghi lại, lèn Vũ Kỳ nhiều lần còn là nơi được các cán bộ chiến sĩ chọn để họp chi bộ và bàn kế hoạch chống.
Lèn Vũ Kỳ lâu nay được xem như một quần thể danh lam thắng cảnh gắn với nhiều dấu tích lịch sử.
“Thời thơ ấu, tôi vẫn thường cùng bạn bè vào hang chơi. Lúc đó, các nhũ đá nhọn hoắt buông xuống, với tay có thể chạm đến. Sau này, để đảm bảo an toàn và có không gian cất trữ vũ khí, bộ đội đã đập đi những nhũ đá này. Trên các vách đá của chùa hiện vẫn còn những chữ viết của họ. Các nét chữ đã mờ nên không còn đọc được” ông Liên cho biết.
Sau chiến tranh, chùa Thiên Tạo bị bỏ hoang một thời gian dài. Tượng Phật, cổ vật, đồ tế khí và nhiều thắng tích thiên nhiên cũng bị phá hủy và thất lạc trong quãng thời gian này. Hiện, chùa Thiên Tạo chỉ còn lưu giữ được 2 cổ vật là cốt Phật và một chiếc bát hương bằng đá, có từ năm 1645. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bát hương này được người dân trong làng mang về nhà cất giữ, mới đây đã trả lại cho chùa.
Tháng 8/2017, nhờ sự đóng góp của người dân và các Phật tử trong vùng, chùa Thiên Tạo được sửa sang, tôn tạo lại. Các bức tượng Phật, ban thờ, hệ thống điện, cũng như những đồ dùng trong chùa hiện nay đều do người dân đóng góp mà có.
“Chùa Thiên Tạo là chốn sinh hoạt văn hoá tâm linh của người dân địa phương từ bao đời nay. Cứ vào ngày Rằm, mùng Một âm lịch hàng tháng, Phật tử thập phương lại vào đây hương khói, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc”, ông Liên nhấn mạnh.
“Chùa Thiên Tạo là một địa điểm người dân tự đóng góp xây dựng để thờ Phật. Tuy nhiên, do dấu ấn lịch sử cùng giá trị tâm linh hàng trăm năm nay nên đây là địa điểm được rất đông người dân và các Phật tử đến thắp hương, cúng bái ngày Rằm”.
Nguồn tin: doisongphapluat.