NHÀ THỜ HỌ NGUYỄN TRỌNG VÀ MỘ MẠC PHÚC THANH
04/11/2024
Lượt xem: 599
Nhà thờ Nguyễn Trọng và mộ Mạc Phúc Thành nằm tại xóm Phương Sơn xã Phúc Thành. Đây là nơi lưu giữ hài cốt và tưởng niệm Mạc Phúc Thanh - Đức triệu tổ đầu tiên của họ Nguyễn Trọng trên đất Nghệ An và con trai - ông Nguyễn Bạt Cử cùng các hậu duệ của dòng họ. Mạc Phúc Thành là con trai vua Mạc Mậu Hợp (Mạc Phúc Hồng Ninh) và bà Nguyễn Thị Niên. Vào cuối thế kỷ thứ XVI, sau khi nhà Mạc mất ngôi, con cháu họ Mạc phải phân tán khắp nơi và thay tên đổi họ. Ông Nguyễn Anh (một tâm phúc của vua Mạc Mậu Hợp) đã đem mẹ vua và bà Nguyễn Thị Niên từ xã Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương về ở ẩn tại xã Cổ Lũng, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Khi ấy bà Nguyễn Thị Niên đang mang thai rồng, được ít lâu vào năm Nhâm Thìn (1592), bà sinh con và đặt tên là Mạc Phúc Thành. Khi lớn lên, Mạc Phúc Thành được gia đình cho đi học, lấy tên là Nguyễn Ngũ Phương. Ông là người thông minh nhân hậu và hòa đồng, đi đâu cũng được mọi người yêu mến. Năm 1633, ông thi đậu Hoàng Giáp, làm quan đến chức Thượng thư Bộ binh dưới triều vua Lê. Năm Bính Tý (1636), ông cáo quan về nhà vì biết âm mưu họ trịnh tiếp tục tiêu diệt nhà Mạc tận gốc. Đến năm Ất Dậu (1645), ông đưa cháu đích tôn là Phương Danh chạy loạn vào Nghệ An để khai cơ lập nghiệp và phát triển kinh tế. Đến đâu ông cũng hướng dẩn cho con cháu mở rộng diện tích, đào mương tiêu úng, xem thiên văn địa lý lấy hướng nhà, hướng cổng, đào giếng chìm lấy nước cho dân làng sử dụng. Vừa chiêu dân vừa khai khẩn đất hoang, xây dựng xóm làng. Được ông động viên khích lệ kịp thời, con cháu và nhân dân với quyết tâm cao đã biến vùng đất hoang sơ thành những làng mới. Những làng đất cao ráo ông quy hoạch thành những làng xóm và khu dân cư. Ở các vùng lau sậy, cồn sò ông động viên mọi người phát cây đốt phá làm nương rẩy trồng màu, chỗ trũng thì để trồng lúa tạo nên những cánh đồng rộng lớn. Dưới sự chỉ đạo của ông chẳng bao lâu vùng đất hoang sơ hẻo lánh đã được khai phá, sửa sang có mương thông nước, nhân dân và con cháu vui vẻ làm ăn, đồng thời hướng dẫn cho nhân dân làm nghề phụ như đan lát rèn cuốc xẻng, làm tranh, lợp nhà giúp dân. Con cháu của ông đến đâu củng đều cải họ và lập thành chi phái riêng, dần dần đã trở thành những làng trù phú đông vui. Những nơi ông đến lập cư, lấy vợ sinh con là : Làng Hữu Lập, xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu - con cháu của ông cải thành họ Phạm; Làng Diệu Ốc xã Yên Lạc nay là xã Phúc Thành, huyện Yên Thành. - con cháu của ông cải thành họ Nguyễn Trọng; làng Hạ Thành, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành con cháu của ông cải thành họ Phan Đăng, Phan Sỹ, Phan Xuân nay là họ Phan Mạc. Hậu duệ của ông lập nghiệp tại làng Vinh Ân, tổng Đại Đồng, huyện Thanh Chương đổi thành họ Nguyễn Phương. Ngày nay có nhiều chi phái họ Huỳnh Phương tại Đà Nẵng.. . Ruộng đất ông khai khẩn đều do họ Nguyễn Trọng quản lý, gồm có 10 mẫu ở Đồng Bung, Đồng Bưởi và năm sào vườn Ngũ Phương ở xã Xuân Thành, 5 mẫu ruộng rộc và năm mẫu ruộng sen ở xã Phúc Thành. Số ruộng đất nói trên, năm 1955 được con cháu dòng họ bàn giao lại cho chính quyền và nhân dân địa phương.
Ngoài việc khai cơ lập nghiệp, ông còn mở lớp dạy học. Học trò xa gần theo học rất đông, lớp học không đủ chỗ ngồi, có những buổi học trò phải chuyển ra sân để học. Học trò có nhiều người hiển đạt như : Ông Trần Đăng Dinh, Ông phạm Chất người làng An Bài, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu đỗ Hoàng Giáp khoa Nhâm Thìn (1652), được phong phó Đô ngự Sử; Ông Hồ Sỹ Dương người xã Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu, nay là xã Quỳnh Đôi đậu đệ tam GiápTiến sỹ làm quan đến Tham tụng Hình bộ, Thượng thư kiêm Đông Các Đại học sỹ; và các con cháu của ông là ông Nguyễn Mậu Linh con trai thứ 2 của ông, đậu tiến sĩ triều Lê Trung Hưng lĩnh chức Bảo chính kinh sư - Bình chương quân Quốc, tước Vinh quốc công; Ông Nguyễn Bạt Cữ là con trai thứ 3 của ông, đậu Tam trường trong kỳ thi Hương, trúng Tứ trường trong kỳ thi Hội và làm quan Huấn Đạo tỉnh Cao Bằng. Ông Huyền Nhai là con trai thứ 4 của ông, thi Hội trúng tam trường bổ nhiệm làm quan Tri phủ Quỳ Châu NGhệ An; Ông Phương Danh cháu đích tôn của ông thi đậu Tam giáp đông tiến sĩ được bổ nhiệm làm quan huyện, huyện Ngọc Sơn và là người mở đầu khoa bảng tổng Đại Đông, huyện Thanh Chương - Nghệ An. Do có nhiều người đỗ đạt, nhiều học trò theo học, tiếng tăm của ông về sự nghiệp giáo dục đã đồn đến triều đình nên năm 1662 vua Lê Thần Tông cho người mời ông vào triều và ban cho quan tước nhưng vì tuổi già yếu nên ông xin cáo từ. Vua liền ban thưởng 100 quan tiền, 10 thước vải gấm và ban tặng sáu chữ vàng: " Thị học truyền đạo, sư biểu tư văn" (Bậc thầy chăm lo truyền đạo học, xứng đáng là bậc thầy trong làng văn)
Sau khi mất, để tưởng nhớ đến một danh nhân có nhiều công lao với đất nước như học hành đỗ đạt, dạy học, khai hoang, mở đất nhân dân làng Diệu Ốc và làng Xuân Nguyên, huyện Đông Thành tôn ông làm Phúc thần và lập đền thờ phụng, các triều đại phong kiến nhà Nguyễn đã trao tặng nhiều đạo sắc. Những ngôi đền thờ phụng ông đã bị hư hỏng trong chiến tranh nên được con cháu rước bài vị sắc phong của Đức Triệu tổ về thờ tại Nhà thờ họ Nguyễn Trọng tại xóm Phương Sơn, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Hàng năm đến ngày 26/11 âm lịch - ngày giổ của Mạc Phúc Thành, con cháu dòng họ tập trung về Nhà thờ để ôn lại truyền thống dòng họ, tỏ lòng thành kính, tưởng niệm các bậc Tiên Tổ. Nơi đây từng được chọn làm nơi đóng quân cho các cơ quan, đơn vị bộ đội làm trụ sở trong những năm 1952 - 1954, năm 1968 là nơi sơ tán của trường Đại Học Vinh. Năm 2014 nhà thờ họ Nguyễn Trọng và mộ Mạc Phúc Thanh được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Nguồn: “Yên Thành di tích và Danh thắng”
|